Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Nghiệp Duyên- Một Thời Chinh Chiến

Bút ký: Nghiệp Duyên


Một thời Chinh Chiến

Tác giả: Thanh Hiền-Dị Nhơn

Bell thành phố sương mù 2016






Một Thời Chinh Chiến



An Lộc thành biển máu
Bình Long núi bằng xương
 Hai tháng dài tử thủ
Xác phơi ngập chiến trường !

   Tháng tư lại về trong nỗi đau khoắc khoải, với những gì của  Sàigòn trong những ngày cuối cùng vẫn cứ ám ảnh tôi, cảnh hoảng loạn, cảnh ly tan như nhắc nhở tôi câu nói của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu như một câu danh ngôn "đừng nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy  nhìn kỷ  những gì Cộng  Sản làm" . 
  Nhân ngày 20 tháng tư năm 2016, tôi xin thắp nén tâm hương tưởng niệm các  Tướng lãnh  đã  tuẫn tiết trong ngày 30 tháng 4 năm 1975, cùng các chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Lịch sử và những người  dân Việt luôn ghi nhớ gương anh dũng của những người hùng của "Một Thời Chinh Chiến, sinh vi tướng, tử vi thần" oanh liệt, can cường, khí tiết và bất khuất.  



  Sáng nay,  nhìn qua khung cửa, nhìn những khóm hoa Đỗ Quyên nở rộ rực rở dưới bóng cổ thụ, tôi chạnh nhớ tiếng chim Quốc, cũng được gọi là chim  Đỗ Quyên đang thảm thiết gọi bạn, mà tôi thường nghe từ buội tre tàu sau nhà, như hồn vua Thục  Đế oán than nghe ai oán bi thương . Quốc  kêu ngày, kêu đêm rồi  mỏi mòn rũ chết.   Và tôi chạnh  nhớ đến anh, người hùng không gian Phạm Phú Quốc . Định  Mệnh đã gắn liền tên anh với đất nước và bài hát Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc,  cái âm vang nghe như  đâu đây ôi xót đau ray rức...

   Anh Quốc ơi...từ nay trong gió ra khơi...
   Anh Quốc ơi... từ nay trên áng mây trôi...
   có hồn anh trong cõi lòng tôi...


   Mới đó mà đã hơn 40 năm , ngày Quốc  Hận 30 tháng 4   lại đến, người bên kia thì ăn mừng chiến thắng, người lưu vong bên này lại tổ chức ngày Quốc  Hận, một ngày tang thương của hàng  triệu người dân trong nước và người Việt lưu  vong, cũng là ngày đen tối đã khiến ra bao thảm cảnh: tù cải tạo, kinh tế mới, vượt biên... Như một vết thương đau đớn nhất của dân tộc, ngày mà người ta gọi nó bằng nhiều cái tên, ngày mà Cộng Sản Việt Nam gọi là giải phóng, nhưng đã giải phóng cho ai? hay là giải phóng chính cho các anh không phải sống trong nghèo đói nữa thì đúng hơn.   Cuộc chiến tương tàn thảm khốc ấy,  người ngoài  làm sao hiểu được tâm trạng của  người trong cuộc, họ chỉ cảm thương vài giây rồi quên lãng, nhưng tôi những người lưu vong, từng giờ, từng phút mãi mãi không quên những năm phải sống hải hùng trong cảnh đạn bom , và mất mát người thân yêu.




  Tôi sanh ra vào năm đói Ất Dậu, và lớn lên trong 2 cuộc chiến, Việt-Pháp , tôi không có ấn tượng nhiều về quân đội thời đó, nhưng tôi biết rõ là mình vừa đi học vừa di tản, báo chí thì dân quê làm sao có mà đọc, nên cảnh chiến trường xảy ra tôi không được thấy cảnh chết chóc và pháo kích, và miền Nam không bị bom đạn tàn phá  khủng khiếp như cuộc chiến Việt Mỹ.  Một phần do vũ khí quá tối  tân của 2 cường quốc, Hoa Kỳ và Trung Cộng. Thời đại bây giờ thì chúng ta chỉ vào youtube là có thể  thấy rõ hình ảnh tin tức khắp thế giới, Cộng Sản không thể bưng   bít những tội ác  tàn độc kia.Trong bầu trời này không có gì mãi che dấu được, và luật nhân quả tuần hoàn, không có gì tồn tại mãi được.





   Trong thời kỳ chiến tranh Việt- Pháp, kháng chiến quân được gọi là "Việt Minh" , cái tên nghe đã ớn lạnh rùng mình nổi da gà. Cảnh đấu tố, chôn người rồi cày lên, tàn ác dã man không sao kể xiết.  Tôi có người chị đi theo Việt Minh kháng chiến chết lúc 17 tuổi mẹ tôi không nhìn xác và cậu tôi (Cha) phải liên luỵ ngồi tù, bà ghét Việt Minh  từ đó. Đến thời Việt Cộng bà  ghét lây luôn, cấm các con không được theo, có lẽ bà đã nhìn thấy rõ bộ mặt tàn ác của Việt Cộng, khi họ giết ông Ba Hà vì không đóng thuế,  đập  chết  chồng chị Quận con bác Năm Nhi vì anh quá  đau lòng khi thấy 2 đứa con chú Mười Hoàng chết thiêu trong căn nhà vào  Tết Mậu Thân, anh đau xót thốt lên một câu "giải phóng đâu   không thấy chỉ thấy  chết người dân".




  Các dì tôi  đều có con đi Việt Cộng, các dì được tuyên dương là "Bà mẹ Việt Nam anh  hùng".  Còn mẹ tôi có con tử trận bên Quốc Gia nên không được   tuyên dương. Bà nói một câu với các anh tôi làm tôi nhớ suốt đời "Chẳng thà tụi con đi bên Quốc Gia, có chết  thì má chôn, và má rất hãnh diện ".  Và tôi nhớ lại vì sao bà không nhận xác người con đi theo Việt Minh. Bà thương lính nên tôi làm em gái hậu phương nấu cho lính ăn. Nhà tôi đối diện chùa Long Cốc ngay quốc lộ vào tỉnh, đường mà tân binh của Trung Tâm Huấn Luyện  Vạn Kiếp đi  ngang để lên xạ trường  núi Dinh tập trận.
  Đến thời chiến tranh Việt- Mỹ, thì quân giải phóng được gọi là "Việt- Cộng", cái tên nghe càng khủng khiếp hơn cái tên "Việt Minh " vì nó tắm bằng máu của người dân. Những xóm làng thân yêu mộc mạc không ai biết đến, sau cuộc tàn sát đẳm máu, bỗng trở thành những địa danh nổi  tiếng, cả  thế giới đều biết. 




Pháo thủ Nguyễn Văn Đương
 

Trận  Hạ Lào chiến binh không trở lại
Nguyễn Văn Đương chẳng tìm thấy hình hài
Tấm poncho anh che mưa che gió
Bỗng biến thành tấm da ngựa bọc thây!

   Bài hát "anh không chết đâu anh" do Trần Thiện Thanh sáng tác, từng lời, từng chữ đã làm con tim người nghe rướm máu. "anh không chết đâu anh ... người anh hùng mũ đỏ tên Đương".  Trận Hạ Lào người pháo thủ Nguyễn  Văn Đương không trở lại. mà đã hơn 40 năm qua người vợ cũng chưa bao giờ tìm được xác chồng . Người phụ nữ trong thời loạn biết bao là gian truân, nhục nhằn, bao tang thương phải gánh chịu trên đôi  vai nhỏ bé, phải mòn chân nuôi dạy đàn con đã sớm mồ côi cha.
 Khi phải đi Thanh Nữ Cộng Hoà lúc mới 16, và  trận chiến Bình Giã đã cho tôi nhìn thấy tội ác của chiến tranh. Và tôi cũng có người anh tử trận năm 1965, để lại người vợ mới hứa hôn khi mới tuổi đôi mươi.






Tôi cũng có người anh chết trận
Thân nam nhi chưa thoả chí tang bồng
Anh về đất khi đời đầy sức sống
Còn thơ ngây goá phụ để tang chồng !

     Tôi yêu người lính Dù đó khi Tiểu Đoàn 3 Dù dừng quân tại nhà má tôi sau khi giải vây Bình Giả. Và từ đó   tôi yêu binh chủng Nhảy Dù, và tôi nhìn người lính Cộng Hoà, có cái gì rất hấp dẫn, hào hùng và khí phách. Nhưng anh đã không về mà nằm lại trên chiến trường  Tây Ninh vào năm 1968.




Tôi cũng có người yêu chết trận 
Đã không về anh nằm lại  Tây Ninh
Gót giầy saul  chưa phai mầu đất đỏ
 Túi cứu thương, áo trận vướng bãi mìn !

  Mãnh khăn sô cho Huế cũng là mãnh khăn sô cho chính tôi, mà  ,   thảm cảnh Tết  Mậu Thân,  đã khiến cả nước và thế giới rúng động.  Huế  tang thương, người dân điêu linh trong giờ phút thiêng liêng của năm mới.   Huế đô tắm mình trong biển máu.

Biển máu tắm Huế đô
Núi Ngự xương chất chồng
Đông Ba buồn tang tóc
Huế trắng mầu khăn sô ! 


 
  
  Trận Mậu Thân 1968 tại Huế kéo dài 26 ngày, hàng chục ngôi mộ tập thể phát hiện xung quanh Huế. Nạn nhân bao gồm phụ nữ, nam giới, trẻ em và trẻ sơ sinh. Tại thành phố Huế và tỉnh  Thừa Thiên có 22 địa điểm tìm được các mồ tập thể, có tới hàng ngàn   xác, hoặc vài ba trăm và có xác bị chôn còn bị xiềng xích.
  Ngày 25/2/1968, chiến cuộc chấm  dứt tại Huế với đổ nát, điêu tàn, nhà cửa, cầu cống, cây cối, đường xa gần như tử địa với xác người nằm la liệt sình thối.





  Những hình ảnh đau lòng của chiến tranh, những đau khổ trên gương mặt bà mẹ trên tay ôm xác, những bà mẹ tay xách nách mang mà bao quanh khói lửa mù mịt.  Cảnh tàn phá của đạn bom, máu chảy thây phơi, có làm động tâm của kẻ khát máu gây ra chiến tranh khốc liệt này không?   

Máu nhuộm lên xứ Huế
Loang loáng đọng dòng Hương 
Những ngôi mộ tập thể
  Người chết khắp nẻo đường !





Nguyễn Đình Bảo- người ở lại Chalie 

  Tiếp tục đến trận Khe Sanh mà máu đã nhuộm thành Khe Đỏ, mà Chalie Người lính Mũ đỏ Nguyễn Đình Bảo đã không về, áo poncho thay tấm da ngựa bọc thây.  

Nguyễn Đình Bảo, Chalie anh nằm lại
 Giữa núi rừng chiến trận của Tây Nguyên
Đồi núi thẳm tắm mình trong bão lửa
  Bom đạn rợp trời đất lệch trời nghiêng!

  Người  Tiểu đoàn tưởng Tiểu Đoàn " Song Kiếm Trấn Ải", vĩnh viễn nằm lại ngọn đồi Charlie.Ngọn đồi vô danh trở thành đồi Charlie  được mọi người biết đến và  bản nhạc "Người Ở Lại Charlie" được Trần Thiện Thanh phổ nhạc, để tưởng niệm cố  Đại Tá Nguyễn Đình Bảo, nằm lại Charlie không có một nấm mồ! 


Ánh lửa hoả châu lung  linh trong đêm tối
Như hồn anh lơ lững giữa không trung
Trong tiếng pháo cánh dù trên đồi máu
Chợt vỡ tan rung  động cả núi rừng! 

Tiếng đạn  hú  vang rền thay tiếng thét
 Cùng xung phong liều chết chẳng quy hàng
Những vết thương  máu thắm qua áo lính
Đã thâm đen khô cứng lại  vội vàng!





  Vùng đất bé nhỏ, gồm chỉ có 76.000 ngàn dân, diện tích có 2.2 40 km2 mà phải hứng đủ mọi thứ đạn, và trong vòng 2 tháng phải chịu đựng hơn 200.000 quả đạn đủ loại , hậu  quả đã để lại cho An Lộc một cảnh điêu tàn, chết chóc, máu tràn như   biển, mà núi chất thành xương,  Đồi Gió đổi lại là đồi Quốc Tuấn, khi người lính truyền tin anh dũng nằm lại.




Trên Đồi Gió mang tên Quốc Tuấn
 Lính truyền tin anh dũng can cường 
Chết oai hùng với số tuổi hai mươi ba
Anh nằm lại chiến trường đổ nát hôm qua 

  Nghìn... nghìn đạn pháo rót vào An Lộc, và 2 câu thơ của cô gái An Lộc đã khiến cho mọi người cảm thương và ngưỡng mộ, kính phục sự hy sinh của những Biệt Kích Dù.

An Lộc địa sử lưu chiến tích
Biệt Kích Dù vị quốc vong thân





  Những chiến sĩ anh hùng Biệt Kích đã giữ vững  An Lộc, rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh. Tướng Lê Văn Hưng được xưng tụng là "anh hùng An Lộc". Trong khi ấy, với Cán  binh Cộng Sản Bắc   Việt, An Lộc là chiến trường đi không hẹn ngày về, cả 100 ngàn vong linh của những người "Sinh Bắc  Tử Nam", đã trở thành lũ âm binh lạc loài vất vưởng mà gia đình họ không bao giờ biết được.

Tôi đã thấy đạn bom cày thôn xóm
Vết đạn thù trên thi thể anh tôi
Em chết cháy làm mồi cho ngọn lửa
Đạn vô tình em làm trẻ mồ côi!

  Tôi đã từng nằm trong đạn pháo  Tết MậuThân 1968, rồi dưới làn mưa pháo vào  Đà Nẳng năm 1972 khi QuảngTrị thất thủ, mới biết nó khủng khiếp đến thế nào. Miền Nam không có tham vọng tiến chiếm miền Bắc, mà chính CSBV mang tham vọng đem quân đánh chiếm miền Nam.  
  Người dân thì chết thảm, trẻ em càng bất hạnh hơn, tật nguyền vì bom đạn, mồ côi vì mất mẹ cha, goá phụ nhiều  vô số.  Hình ảnh em bé  chạy trần truồng trên  Đại Lộ Kinh Hoàng 1972. Ngày 4 tháng 4 - 1975 một máy bay C-130 chở trẻ em mồ côi vừa  ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất bị đạn phòng không bắn rơi ngay ở Hóc Môn ngoài vòng đai phi trường.
   30 tháng 4  năm 1975, Tướng  Dương Văn Minh, người hùng Rừng Sác, trở thành "hàng  tướng ", người lính  Việt Nam  Cộng Hoà bị ép  phải buông súng.


Sàigòn còn lại bơ vơ
Từng vùng gục xuống hết chờ hồi sinh
Nghẹn ngào nghe lệnh tướng Minh
Đầu hàng, buông súng nạp mình trói tay ... 

  Sàigòn mất ,  Sài gòn không có ngày  đoàn viên, mà  Sàigòn trong hoảng loạn, chia ly. Người ra đi trong nước mắt, kẻ ở lại bị đoạ đày. Mà  Định Mệnh đã an bày cho số phận của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà .

Tháng  tư lại về tháng tư mất nước
Quân đội tan hàng người Việt lưu vong
Anh tuẫn tiết để chúng tôi được sống
Quên tình nhà trọn tiết với  non sông !

Add caption
Tướng Nguyễn Khoa Nam (1927-1975)

  Tướng Nguyễn Khoa Nam,Tư Lệnh  Quân Đoàn 4, tuẫn tiết lúc 11 giờ 30 ngày 30 tháng  4 năm 1975.


Nguyễn Khoa Nam - Lê Văn Hưng  tuẫn tiết
Mà nghìn sau Tổ Quốc mãi ghi ơn



Tướng Lê Văn Hưng (1933-1975)
(người hùng An Lộc)
Tướng Lê  Văn Hưng- Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 4, tuẫn  tiết bằng sung lục vào lúc 8 giờ 45 phút tối, ngày 30-4-1975.




Tướng Lê Nguyên Vỹ ( 1933-1975)

   Tướng Lê Nguyên Vỹ-Tư Lệnh Sư Đoàn 5  Bộ Binh. Sau khi nhận lệnh đầu hàng, tuẫn tiết bằng súng lục vào lúc 11 giờ ngày 30-4-1875 tại Tổng Hành Dinh Lai Khê.


Lê Nguyên Vỹ- Trần Văn Hai  tuẫn tiết  
Khí phách anh hùng  cái chết liệt oanh 





Tướng Trần Văn Hai (1925-1975)

  Tướng  Trần Văn Hai - Tư Lệnh Sư  Đoàn  7 Bộ Binh, tuẫn tiết tại Trung tâm Đồng  Tâm đêm 30-4-1975.



Tướng Phạm Văn Phú (1928-1975)

  Tướng Phạm  Văn Phú -Tư Lênh quân Đoàn 2, tuẫn tiết bằng cách uống liều thuốc cực mạnh, mất ngày  30-4-1975.


Tướng Phạm Văn Phú  liều mình tuẫn tiết
  Làm trai,  sinh vi tướng, tử vi thần



Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn (1939-1975)
(hùm thiêng U Minh)
Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn đã anh dũng chiến đấu tới cùng không chịu đầu hàng, bị Cộng Sản xử bắn tại chỗ.

Gương anh dũng không đầu hành buông súng
Chết  vinh quang trong tay của Cộng thù  
Hổ Ngọc Cẩn nghìn sau còn ghi nhớ  
Hùm thiêng U Minh yên nghĩ nghìn thu !


 Gia đình Đại Tá  Đặng Sĩ Vinh cùng vợ và 7 đứa con tuẫn tiết bằng súng lục ngày 30-4-1975.

 Chồng  và vợ bảy đứa  con cùng tuẫn tiết
Phát súng ân tình Đại Tá Đặng Sĩ Vinh  
 Dưới chân tượng đài Thuỷ Quân Lục chiến
Nguyễn Văn Long tuẫn tiết chết một mình !


Trung Tá Cảnh sát Nguyễn Văn Long, tuẫn tiết dưới chân tượng  đài Thuỷ Quân Lục Chiến vào ngày 30-4-1975.


  Và rất nhiều người chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã tuẫn tiết.  Câu chuyện bi hùng của người lính Không Quân vô danh, anh hùng Không gian của Thần Long 427- C-7 A Caribou.

Lệnh đầu hàng  anh đành buông súng
Tức tưởi tan hàng phẩn hận hờn căm
Trại cải tạo anh đi không trở lại
Đất Bắc xa  xôi anh chết ầm thầm!

Cả miền  Nam đắm chìm trong biển máu
Giải phóng về gây chết chóc lầm than
Từ một chiến binh thành tù cải tạo
Tháng tư về  lịch sữ  đã sang trang !

Sàigòn điêu tàn miền Nam bức tử
Người lính bàng hoàng súng trận hoang mang
     Chiếc  giầy   saul áo trận nằm lăng lóc
Goá phụ buồn đau xót mãnh khăn tang! 


  Bài thơ, bài viết này xin tưởng niệm ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tổ Quốc ghi ơn các anh, và những người Việt  Quốc Gia nói  chung  và tác giả nói riêng,mãi mãi không quên những người lính đã cống hiến sức lực, tánh mệnh và cả tuổi trẻ cho non sông. Những tấm gương anh hùng, oanh liệt, can cường và khí tiết, những chiến sĩ vô danh của Một Thời Chinh Chiến bi hùng. Một vành tang cho Quê Hương Việt Nam, cho các anh hùng của tất cả binh chủng của Quân Lực Việt Nam  Cộng Hoà !


 Ngày Quốc Hận - Bell thành phố sương mù 2016


   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét