Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

Nghiệp Duyên- Long Cốc Tự

Bút ký: Nghiệp Duyên

Long Cốc Tự

Tác giả: Thanh Hiền- Dị Nhơn

Bell thành phố sương mù 2016 





Long Cốc Tự

Quê tôi gần bãi xạ trường
Ngang Long Cốc Tự, Long Hương quê nghèo

  Từ cầu sông Dinh đến đường vào lò thiêu, bên phải có 2 ấp, ấp  Hương Điền  có ngôi đình thần linh thiêng, nên được gọi là xóm Đình. Ấp Hương Sơn gần núi có ngôi chùa Long Cốc, nên được gọi là xóm Chùa. Lên một chút nữa có nhà thờ của Võ từ đường thờ Võ Tánh, và đường vào xạ trường còn có miểu Bổn Điền, nơi ghi dấu Hoà Thượng Long Cốc cầu mưa.
  Bên trái cũng  chỉ có một  ấp là ấp Hương Giang  nằm dựa những con sông, nhưng xóm gần chợ được  gọi là xóm  Lăng, có miễu ngũ hành và thờ ông Nam Hải (cá ông) , dân làm nghề chài lưới, kế đó là xóm Đồng vì có cánh đồng Mắt Mèo cũng thuộc về ấp Hương Giang, sau này mới đổi.    Tất cả  4 ấp nói trên thuộc về   xã Long Hương, tỉnh Bà Rịa.
  Qua khỏi cánh đồng Mắt Mèo, chạy dọc theo những con sông với cái tên thân thương là xóm Đồng. Được thiên nhiên ưu đãi, dân sống về nghề nông, trồng tỉa, gỗ, đá và chài lưới. Khi các ấp được nâng cấp, xã Long Hương  đổi thành là phường Long Hương. Quốc lộ 15 từ Sàigòn đến Vũng Tàu, qua hỏi xóm Đạo núi Dinh, trước năm 1954, xóm đạo là rừng chồi rất hoang sơ, khi người Bắc di cư vào khai khẩn, nhờ vào sức cần cù và chịu khó, từ những mái tranh lần hồi xóm Đạo trở thành xóm nhà khang trang, những vườn rau xanh biếc. Trước năm 1975, thời Việt Nam Cộng Hoà,  trước khi đến xóm Đạo là con đường vào xạ trường của Trung tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp. Ngày nay là nghĩa trang và lò thiêu của thị xã Bà Rịa và Vũng Tàu.




Chánh điện chùa Long Cốc

  Mùa Vu Lan năm 2000, với số tiền của các bạn đạo chùa Báo Ân, tôi tổ chức cùng anh Tư Dận cùng một số bà con trong xóm mang thực phẩm lên núi cúng dường chùa nghèo, phải nhờ Dũng và vài thanh niên trẻ theo để vác. Xe ngừng dưới chân núi, từ chân núi tới tổ đình Linh Sơn (chùa Tây Phương) của ni sư trụ trì Huệ Giác   mà Phật tử thường gọi là "Cô Tám".  Tôi không rõ lắm trong hai ni sư Huệ Giác và Diệu Minh ni sư nào là "cô Tám?" 
  Đường lên là những bậc đá chẻ, hai bên có những tảng đá thật to, những cổ thụ, tre rợp bóng mát. Tất cả thực  phẩm để lại chùa cô Tám rồi phân phát sau. Vừa mệt vừa khát nước, khi mời dùng trà, nghe mùi lá dứa thật thơm, mùi hương trà hoà trong gió thoảng bay lên núi, khi uống vào thật là sảng khoái hết cả mệt nhọc, uống thêm một tách nữa mà chưa đã khát.
  Vì muốn viết lại câu truyện về Hoà Thượng Long Cốc theo những người kỳ lão, do anh Tư Dận kể lại và tài liệu chùa Long Cốc. Tôi  phải lặn lội tìm đến Hang Tổ nơi Hoà Thượng   ẩn tu . Nghĩ rằng mình có bổn phận phải ghi lại sự tích một vị chân sư vì chúng sanh mà thành tâm cầu mưa, làm cảm động tới Phật trời cho mưa xuống, không là chuyện hư cấu, mà là câu chuyện được người xã Long Hương truyền tụng , đã xảy ra gần 300 năm qua.
  Tâm của ngài như biển cả trải rộng mênh mông, công đức ấy thật vô lượng, vô biên. Lòng dạt dào tri ân bậc cao tăng, dù đã mấy thế kỷ qua, người dân xã Long Hương vẫn mãi mãi nhớ ân ngài. Tôi hy vọng những tâm tình tôi viết vào đây được đọc  giả ghé mắt đến, mong Phật tử một lần  lên núi chiêm bái Hang Tổ. Ta  ngắm nhìn   trời xanh, mây trắng, suối  biếc, chiêm ngưỡng vũ trụ bao la,ta thấy mình bé nhỏ, nhỏ hơn hạt cát sông Hằng. Niềm hạnh phúc vô biên là mình được đến đây, thưởng thức được tách trà thơm mùi đạo vị, nhìn trời mây, núi rừng mà thấu triệt được tột ý, tột cảnh, mà có thể giúp ta ngộ ra cứu  cánh viên mãn.  




Đường lên Hang Tổ rừng xanh biếc
Ríu rít chim ca nắng chan hoà
Đây chốn linh thiêng nơi núi Tổ
Nhiệm mầu chánh pháp toả bay xa...

  Một điều tôi rất cảm kích là cảnh vật nơi đây còn thiên nhiên chưa bị bàn tay con người sờ mó đến. Từ chùa Tây Phương lên Hang Tổ  phải trèo lên những gọp đá lổm chổm đầy trơn trợt, lách mình qua những lùm cây theo con đường mòn nhỏ quanh co , đu lên những sợi dây để leo lên, vài tấm bản vẽ mũi tên đường lên Hang Tổ, suối Tiên.

 Lấp lánh hàng cây vương nắng sớm
Gió vờn bãng lãng áng mây trôi
Trèo lên dốc núi con đường nhỏ
Gió núi hương rừng thoáng chơi vơi

  Khi đến nơi thì vị sư đi bẻ măng chưa về, chỉ gặp một người Phật tử ở làm công quả. Hang Tổ là nơi Hoà Thượng ẩn tu, có cái hang thật sâu, hiện giờ bế môn không cho ai xuống, hang trên cũng khá rộng là nơi thờ phượng. Trước năm 1975 có ngôi chùa nhỏ, nhưng bị tàn phá trong chiến tranh, hiện giờ chỉ là am tranh đơn sơ cạnh bên Hang Tổ. Khung cảnh  Hang Tổ thật  thanh tịnh, rừng núi ngút ngàn, những nhánh lan rừng bám vào cây, khe đá, những loài thảo mộc bám quang thân cổ thụ. Tiếng chim rừng ríu rít, tiếng suối reo róc rách chảy xuyên qua khe đá, như tiếng nhạc rừng êm ái. Không gian chừng lắng đọng.    



Từ trái: anh Tư Dận, chị Ba, Nina Kim- dì Út, bà  Sáu Mía -1995

Chim rừng ríu rít hoà ca
Hương rừng gió núi bay xa ngút ngàn
Cuốn theo những chiếc lá vàng
Bên bờ suối biếc lang thang đi tìm...

  Với tôi thật  là thơ mộng tuyệt vời, xem như thân tâm  được  tẩy gội những bụi hồng của thế nhân, sau hơn một phần tư thế kỷ bề bộn với áo cơm, bận bịu với cuộc sống phiền  toái. Tôi nô nức đi tìm dấu chân xưa, cách nay gần  300 về trước,   có vị cao tăng  hiện hữu và tu hành đắc đạo nơi đây. Từng vết chân ngài đã đi qua ngọn núi nầy, dẫm trên cỏ, trên hóc đá, mà lòng từ cứu nhân độ thế  rộng bao la không bờ bến. Lòng tôi xúc cảm bồi hồi nhìn Hang Tổ, đạo pháp thật nhiệm mầu , bậc tu hành luôn dấn thân trong gian khổ để cứu độ chúng sanh tìm đến bờ giải thoát.

Núi cao từng vết chân ngài
Cứu nhân độ thế ơn dầy biết bao
Dẫu cho ngàn vạn năm sau
Lòng từ bi ấy dạt dào bao la...

  Vào thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, các chùa trên núi đều bị dội bom, cả những nơi thâm sơn cùng cốc cũng không tránh khỏi pháp nạn. Cái hang của Hoà Thượng không bị hề hấn gì, nhưng cái nốc tháp bị trúng bom nằm lăn lốc dưới triền núi. Những sự tàn phá của kẻ ngoại đạo cuồng tín mà Phật giáo đã trãi qua, dù thăng  trầm dâu bể, giữa những cơn lốc xoáy của thời đại, Phật giáo vẫn tồn tại và lan rộng khắp  thế giới. Phật giáo luôn tạo một đời sống trí tuệ,  từ ái chan hoà yêu thương, không bạo động. càng gặp cảnh khổ càng sáng giá, như viên kim cương phải  mài duã  thêm  cho được hoàn mỹ. 
  Khi nghe chúng tôi từ chùa Long Cốc lên thì người Phật tử ấy lại hỏi về sư tích của ngài. Tôi cảm thấy đáng tiếc khi đang lo hương khói cho ngài mà không biết nguồn gốc, nên khi ấy anh  Tư Dận mới kể lại những gì mà anh đã từng nghe ông bà mình truyền lại như  sau:
   Gần 300 về trước, xã Long Hương bị hạn hán, người dân mới lên núi để cung thỉnh  Hoà  Thượng hạ san cứu dân. Khi đoàn người lên đến lưng chừng núi thì  gặp ngài đang đi xuống. Ngài bảo rằng:
  -Ta đã biết rồi! Thôi các thí chủ khỏi phải lên núi nữa!
 Đoàn người theo ngài trở lại xóm, khi đến khu rừng chồi mà bây giờ là miểu Bổn Điền, ngài bảo dừng lại và lập đàn tràng để cầu mưa. Khi ngài làm lễ xong, thì mầu nhiệm thay mưa đổ xuống ngập cả cánh đồng, ruộng lúa chuyển mình hồi sinh sau những ngày khô cạn. dân làng vui mừng, hò reo, cây cối hoa mầu tắm mát dưới những giọt mưa mầu nhiệm.

Những giọt mưa mầu nhiệm
 Tắm mát những cánh đồng
Mừng vui cây lúa đơm bông
Hoa màu tươi thắm giòng sông vui mừng

  Khi ấy ngài mới dạy dân làng, chỗ nào nên cất chùa, chỗ nào nên cất đình để thôn xóm được yên lành. Nơi ngài cầu mưa, dân làng cất ngôi miểu Bổn Điền để ghi dấu  nơi ngài cầu mưa. Mỗi năm có tục lệ cúng vào ngày 16 tháng 8 âm lịch, có mời bà bóng múa rổi. Ngôi chùa nơi ngài chỉ cất, dân làng nhớ ơn lấy tên ngài  là Long Cốc Tự ,nằm trong ấp Hương Sơn, gọi là xóm Chùa.

Ân Hoà Thượng Long Cốc
Chùa xây để tên ngài
Bổn Điền di tích còn đây
Đình thần còn đó ngày ngày nhớ ơn !

  Ngôi đình có sắc phong của vua ban, thời chiến tranh Việt-Pháp, Cao Đài,   Pháp cho phóng hoả vẫn không cháy, nhưng người ra lệnh lại học máu chết.Từ đó  Pháp và  Cao Đài không ai dám đóng quân trong đình. Đến thời chiến tranh Việt -Mỹ, V C pháo kích vào dinh tỉnh trưởng, ông vái thần phù hộ, nên bao nhiêu pháo cũng bị tịch ngòi không nổ , nên ông tỉnh trưởng cúng hậu tạ vị thần linh thiên. Đình thần nằm trong ấp Hương Điền, cách  dinh tỉnh trưởng con sông Dinh .Theo tục lệ  cúng Kỳ Yên hằng năm vào ngày rằm tháng 11 đến 18 tháng 11, có thỉnh sắc thần rất là long trọng. Có hát Hồ Quảng 3 ngày.
  Trong thời chiến tranh, chùa Long Cốc, Đình thần, miểu Bổn Điền không bị một viên đạn. Như các chùa sau năm 1975,chùa Long Cốc cũng bị chính quyền thu giữ, nhưng cái người ra lệnh kia bị một chuyện gì không   rõ , đã hoảng sợ trả chùa lại cho dân làng. Khi đó những chùa khác bị cấm lễ lạc, riêng chùa Long Cốc vẫn được làm lể hằng năm, chính quyền không dám can thiệp vào. Một  việc nữa là, từ miểu Bổn Điền đến cầu sông Dinh là xóm người  Nam, qua đến chợ Bà Rịa đến rạp Thành Thái vẫn không có tiệm thịt chó nào, chỉ có những xóm Đạo  di cư mới ăn thịt chó. Một lần nhà bà giáo Hồ cho thuê họ mở quán thịt chó không bao  lâu thì dẹp tiệm luôn, không có quán thịt chó nào tồn tại nới xã Long Hương.
  Sau năm 1975, , được ni sư Huệ Giác của tổ đình linh Sơn trùng tu, thì lại ghi sai, có bài thơ Nhớ Ân ghi trên bia.

Long  Hương núi Tổ diệu mầu thay
Bà Rịa danh truyền công đức dầy
Cháu con tưởng nhớ nên lập tháp
Kính phụng ân sâu tăng đức tài
Xả thân vì đạo thương bá tánh
Độ đời khó nhọc công chẳng nài
Treo gương chánh pháp nơi núi Tổ
Trùng tu tạo tháp nhớ công ngài

ngày 9 tháng 9 năm Ất Hợi (1/1-1995)
cảm niệm
Ni sư Huệ Giác

 Tôi chụp bao nhiêu hình, nhưng khi rửa lại không ra, chỉ được 1 tấm duy nhất khi anh Tư  Dận đứng một bên. Ngôi tháp nằm bên lưng chừng núi, đứng chơ vơ một mình giữa cảnh rừng núi hùng vĩ thiêng liêng. Những khóm tre cao ngất, chen nhau cùng cây bá, cây tùng, những khóm lan, vài cánh bướm, loài ong vờn quanh bay nhẹ nhàng trong an lạc. Chúng tôi sắp hoa quả, thắp  hương đãnh lễ ngài, làn hương quyện bay tan loãng vào cái tỉnh lặng của rừng núi hoang sơ. Chúng tôi nhóm Phật tử chùa Long Cốc đang thành kính thắp  nén hương thơm tri ân và tưởng niệm ngài, vị Hoà Thượng tu hành đắc đạo gần 300 về trước mà di tích còn lưu lại. Nơi  Hang Tổ này rất vắng lặng ít khách hành hương, ít ai biết về sự tích  Hang Tổ. Tôi mong rằng Hang Tổ luôn giữ vẻ hoang sơ, và sống mãi trong lòng người dân xã Long Hương.

Trời xanh mây trắng làn nước biếc
Vách đá rêu phong tháp giữa rừng
Nhấp  tách trà thơm mùi đạo vị
Phước duyên hạnh phúc đến vô cùng !


  Bước xuống mấy bậc đá, con đường quanh co dẫn đến suối, nước trong veo có thể nhìn đàn cá bơi lội nhởn nhơ không chút  sợ  hãi, bao quanh suối là vườn tre, chuối. Xắn quần tôi lội xuống suối khoác nước rửa mặt, nước mát lạnh làm tỉnh táo, cái không khí trong lành làm tan đi cái mệt của khoảng đường dài leo núi. Ai cũng nghĩ, tôi từ Mỹ về chắc không thể nào leo nỗi, nhưng tôi đã chứng tỏ mình không thua kém những bạn cùng xóm.
  Chú Phật tử lại mang trà ra đãi khách , mùi vị cũng giống như trà bên chùa Tây Phương nên tôi tò mò hỏi,  thì chú bảo là trà Phật, cũng có cái tên nữa là trà Quán Thế Âm. Chúng tôi xin một chai mang theo, muốn xin cây con về trồng, nhưng không có thầy nên chú không dám tự tiện cho. Chúng tôi cúng dường ít tiền, để lại chút bánh mì cho 2 chú chó nhỏ, nhìn ốm trơ xương đến tội nghiệp. Từ đó chúng tôi leo lên chỗ tượng Quán Thế Âm lộ thiên, anh Tư Dận mang chiếc y mới choàng lên tượng Bồ Tát. 




 Anh Tư Dận bên trong chùa Long Cốc


Quanh co lối nhỏ bên triền dốc
Rỉ rách êm êm tiếng suối ngàn
Núi xanh tỉnh lặng mây giăng trắng
Ngỡ rằng lạc cảnh  giữa nhân gian

   Từ trên đỉnh núi nhìn xuống thấy biển Vũng Tàu mù mù, nhìn núi xanh, mây trắng, núi biếc, suối mơ, hoa dại mà lòng cảm thấy thật an lạc và hạnh phúc. Ghé qua chùa Bồ Đề, sư cô lại đi vắng, người Phật tử công quả tiếp chúng tôi thật niềm nở, đãi cho một chầu chuối, còn tặng thêm một mớ dằn túi theo đường. Chùa trên núi đều trồng cây ăn trái, thường bị bọn khỉ ăn trước, chỉ có những bụi tre xanh thì không hề hấn g,ì  sau đó chúng tôi qua thăm cái hang mà ngày xưa có cọp trắng tu.
  Lui trở lại chùa Tây Phương vào giờ ngọ, chùa lúc nào cũng ưu tiên cho dân làng Long Hương, nhất là chùa Long  Cốc. Chùa lúc nào cũng có thức ăn cho khách thập phương, trên bếp lúc nào cũng có mấy nồi cơm to đùn. Dũng không đợi mời lần thứ hai, chứ ăn xôi hay bánh mì đều than là không no, chúng tôi lại được uống thêm trà Phật, anh Tư Dận hỏi về cây trà, thì sư cô sốt sắng bứng cho mấy cây. Tôi đã thử trồng mấy lần, nhưng không được vì trà chỉ hạp phong thổ trên núi. Chùa dùng nước suối trong sinh hoạt hằng ngày, nên rất là tinh khiết, nhất là khi pha trà. Dùng cơm xong, chúng tôi ghé thăm các sư bà.Chúng tôi để lại những thức ăn và tịnh tài tại chùa   Tây Phương nhờ đưa dùm cho những chùa nhỏ quanh đó, vì chúng tôi không có thì giờ để đến từng nơi.
  Trên đường xuống núi, nằm nghĩ trưa trên những tảng đá lớn ven đường, mấy con cháu của Tôn Ngộ Không đu đưa chuyền cành này sanh cành nọ, mấy chú khỉ con bám lấy mẹ chặt cứng. Mớ chuối mang từ chùa Bồ Đề, mớ xôi với bánh mì còn lại chúng tôi mang ra cho lũ khỉ, con khỉ đầu đàn háu ăn, nó độn đầy nhóc 2 bên má, nó thật dạn ngồi gần anh Tư Dận lấy thức ăn tỉnh queo. Cùng lúc ấy cô Tám trụ trì chùa Tây Phương từng bước thanh thản lên núi, thấy chúng tôi mới đứng lại hỏi thăm. Tôi đùa là chùa  Tây Phương  đo còn thiếu, làm cô ngẩn ngơ giây lát, thì ra tôi bị trợt chân đo ván, cũng may chỉ bị  trầy sơ thôi. 



Tháp Hoà Thượng Long Cốc

  Theo sách "Đại Nam nhất thống chí", sự tích Hoà Thượng Long Cốc được gắn liền với Thiền sư Ngộ Chân, được các thiền sư Việt Nam ghi lại như sau:
 Thiền sư Ngộ Chân thuộc phái Thiền Lâm Tế, chưa rõ năm sanh, chỉ biết sư đến lập chùa Hang ở trên núi Chứa Chan (hay núi Gia Ray) ở khe núi Gia Lào để tu hành. Sư gọi hang núi này là Long Cốc (Hang Rồng).  Vì vậy Thiền sư Ngộ Chân được tôn gọi là "Hoà Thượng Long Cốc".
  "Núi Chưa Chan ở phía Bắc huyện Phước Khánh (Long Khánh ngày nay) 56 dậm, núi non sừng sửng giữa khu rừng rậm hoang vu. Gần chân núi có khe Gia Lào giáp với huyện Long Khánh  và huyện Phước Bình. Núi có nhiều gỗ quí, có cả cây trầm hương và nhiều loại dây mây Tàu. Ở lưng chừng núi có thạch  động và giếng   đá, thiền sư Ngộ Chân đến đó  để tu.
  Sau khi Thiền sư Ngộ Chân vân du (hoằng hoá ở nơi khác, thổ dân tưởng nhớ Sư là người đắc đạo nên lấy  đá lấp cửa lại". Hiện nay di tích còn ở núi Chứa Chan Gia Lào-Long Khánh-Đồng Nai.
  Sau đó Thiền sư   Ngộ Chân đến núi Trấn Biên (hay núi Mô Xoài) nay gọi là núi Dinh Bà Rịa lập chùa  Đức Viên để tu trì. Thiền sư Ngô Chân tịch cốc (không ăn cơm), chỉ ăn rau quả tu hành khổ  hạnh tịnh nghiêm, đạt được  đạo quả, nên giáo  hoá   được  cả thú dữ (hùm, beo, trăn, rắn...) dùng Mật tông trị bệnh cho bá tánh.
  Theo sách "Gia Định thành thông chí" , Trịnh Hoài Đức kể Thiền sư Ngộ Chân như sau:
  "Núi Trấn Biên tục danh núi Mô Xoài (Mỗi Xuy), cách phía Đông trấn Biên Hoà 154 dậm. Hình núi cao ngất xanh um, có những hang nai, đồi thông, mây phủ, suối reo, cảnh trí u tịch, chầu về Gia Định, hình dung dãy núi thanh tú, trải rộng thênh  thang. Lưng chừng núi lại có động đá thâm u khuất khúc chật hẹp, đi vào không cùng tận. Có thầy tăng tịnh cốc tên là Ngộ Chân, cất chùa Đức Vân nơi cửa động để tu trì, hằng ngày chỉ ăn rau quả đề niệm Phật, luyện tập được cả hùm beo, lại hay vẽ bùa trị bệnh, thâu được lễ thì đem phân phát cho những người nghèo đói, khốn khổ, cũng là một vị cao tăng đắc đạo".
  Trong Monographie de la Province de Ba Ria et de laville du Cap Saint Jacques 1902 có ghi:
  "...Cũng trên ngọn núi này (núi Dinh), ở độ cao hơn, có một ngôi chùa xây trước cửa hang sâu có con suối chảy qua. Có một vị đạo cao đức trọng tên Đinh Công Lương không rõ từ đâu, đã đến đây dựng  lại ngôi chùa và chọn nơi này để ẩn tu. Từ sau khi có một "cặp cá chềnh trắng" xuất hiện ở dòng suối thì nguồn nước này có khả năng chữa  lành những người mắc bệnh mà thành tâm cầu nguyện, sau khi trầm mình trong dòng suối cùng hớp vài ngụm nước. Khi ông Đinh Công Lương qua đời, và đến năm 1816, có một vị ti hành khác tên Bùi Văn Đôn đến trùng tu lại ngôi chùa cũ, và kế tục vị tiền nhiệm". Không rõ ông Đinh Công Lương có phải là thế danh của Hoà Thượng Long Cốc không?
  Hoà thượng Long Cốc chôn ở núi  Dinh gần hang Tổ.
  Năm 1965 , khu chùa Hang Tổ trong đó có ngôi tháp bị san bằng, đến  năm 2001, tôi lên viếng  Hang Tổ thì ni trưởng Huệ Giác trùng tu nhưng lại nhẩm lẫn vì    nghe lời kể  của ông Bảy Cày, một Phật tử xóm chùa Long Cốc, ngày đó ông Bảy Cày thường lên núi  ở mấy tháng mới về, và mang theo rất nhiều  cái gùi  do ông đan để  bán cho hàng xóm, dùng để đi chài và đi rừng  đeo sau lưng để bẻ măng, hái nấm mối...  
  Vào sáng ngày 29 tháng 11âm lịch  Canh Dần (tháng thiếu) (3-1- 2011) , Ni sư Diệu Hoà trụ trì Tổ đình Linh Sơn(Tây Phương) ở núi Dinh được Ni trưởng Huệ Giác uỷ thác tổ chức lễ cúng dựng lại bia của hoà thượng Long Cốc tại  Hang Tổ với các hàng chữ mới:
Phật Giáo Việt Nam
Long Cốc đường
Thượng Ngộ Hạ Chân
Từ Lâm  Tế Chánh Tông
Tam Thập Cửu Thế
Đại Lão Hoà Thượng Giác  Chi Linh
Viên tịch ngày 30 tháng 11
 Phường Long Hương Bà Rịa- Vũng  Tàu
Tổ Đình Linh Sơn
Ni sư Huệ Giác
Trùng  Tu- Lập Tháp
  Bên phải có hàng chữ: Lưu Đức Thánh Hiền Thượng Tự Tăng Đảo Tôn. Phía sau tháp vẫn còn bài thơ "Nhớ Ân: cảm niệm của ni sư Huệ Giác.
  Thiền sư Long Cốc thuộc đời 39 phái Thiền Lâm Tế, truyền theo bài kệ "Tổ Đạo...Giới Siêu Minh Thiệt tế Liễu đạt Ngộ Chân Không". Hiện nay chùa Long Cốc toạ lạc tại ấp Hương Sơn, thị xã Bà Rịa , còn thờ các long vị Hoà Thượng thuộc phái Thiên Lâm tế chánh tông:
  Hoà Thượng Long Cốc ( Thiền sư Ngộ Không) đời 39
  Hoà Thượng Chân  Thới (Đạo Xuân) đời 40
  Hoà Thượng Thanh Luận (Thiên Từ) đời 41
  Hoà thượng Trừng Tâm (Trần Chu) đời 42
  Giỗ Hoà thượng Long Cốc vào ngày 30 tháng 11 âm lịch hàng năm.
  Chùa Long Cốc là chùa Làng, vẫn còn giữ nguyên vẹn kiến trúc cổ xưa, gồm 3 gian hai chái,vi kèo cột gỗ, mái ngói âm dương. Chùa còn lưu giữ được một hồng chung bậc trung có hoa văn tinh xảo, một trống lớn có giá đở, những vật chứng hàng trăm  năm qua. Điện thờ Phật Bà Quán Âm được xây dựng thêm sau năm 1975 ở phía bên ngoài cổng chùa. 
   
Tượng Quán Thế Âm phía trước chùa Long Cốc
Từ trái: Dì Út, anh Tư  Dận, Chị Ba, Thanh Hiền
bà Sáu Mía -1995

   Chùa có ban tế tự từ trước năm 1945. Năm 1990, ban tế tự và dân làng quyên góp công trùng tu chùa. Một thời gian dài vắng sư trụ trì, từ năm 1998 Tỳ kheo ni Thích nữ Minh Tùng về trụ trì ,sau đó thêm ni sư Dung. Sau năm 2000 tôi về,  có cùng Phật Tử chùa Báo Ân, trong  đó có Phật Tử Diệu Hải đóp góp để trùng tu vì chùa bị dột nhiều nơi. 
  Tôi lớn lên với tiếng chuông chùa,  như đồng hồ báo thức mà mỗi sáng phải dậy, nhóm lò, giăng khuôn để má làm báng tráng, và từ bên nhà nhìn qua, tôi thường thấy một đóm lửa từ không trung xẹt vào cây cầy  trước chùa , ban đầu thì hơi sợ nhưng rồi lại mong được thấy đóm lửa đó. 
    Sau hơn 20 năm, ngày trở lại thăm quê hương, mỗi sáng vẫn thức giấc khi nghe tiếng chuông chùa  Long Cốc, vẫn tiếng chuông thánh thoát như gợi lại một  thời thơ ấu,  nhưng tôi  không là cô bé năm xưa phải thức giấc khi nghe tiếng chuông chùa.Tôi thấy mình đánh mất nhiều thứ,  mà trong đó có tiếng chuông chùa. Ngôi chùa Long Cốc, chỉ là ngôi chùa cổ không nguy nga, đồ sộ, chỉ là ngôi chùa làng với mái ngói âm dương rêu phong. Bên trong chánh điện là những hình vẽ về cảnh địa ngục, và câu chuyện về Hoà Thương Long Cốc do bô lão trong làng và anh Tư Dận kể lại. 




  Tôi có duyên lên chiêm bái Hang Tổ 3 lần, những năm sau anh Tư Dận trong ban tế tự già yếu nên  không thể leo núi  nỗi  nữa ,và khi tôi về lại bên này thì vài năm sau anh cùng bà sáu Mía cũng đã qua đời , những bác lớn tuổi, những hàng xóm thân thương lần lượt ra đi. Mỗi lần tôi nghĩ đến những chuyến lên Hang Tổ , tôi vẫn còn thoảng nghe mùi hương trà, tiếng suối reo, cảnh rừng núi u tịch . 
   Bài viết này không chỉ để ca tụng môt vị Thiền sư, một bậc thầy đắc đạo, mà phải nói là một cơ hội để tri ân, như lời của Đại sư Tinh Vân, để có thể thấu đáo tư tưởng  "nhận ân như giọt nước ,báo đáp như suối nguồn". Người viết bài cũng như đọc giả cảm  nhận được phút giây an lạc giữa cõi ta bà này.    

Long Hương ngày 25 tháng giêng năm 2007.
  

 *****

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét