Bút Ký: Định Mệnh 11
Một lần thăm Huế
Tác giả: Thanh Hiền- Dị Nhơn
Bell thành phố sương mù 2015
Xuất bản 2004
Về đây Huế những buồn thêm
Điêu tàn cung điện nát mềm cỏ cây
Anh đâu? Em đã về đây
Nửa mừng, nửa tủi gót hài bơ vơ...
Khi lực lượng Thuỷ Quân Lục Chiến cấm lại cờ Quốc Gia trên Cổ Thành Quảng Trị ngày 15/9/1972. Người di tản lục tục kéo nhau về Huế, có nhiều gia đình đã chết khi Đà Nẳng bị pháo kích nên có đi mà không có trở về. Cái thảm cảnh ấy thật đau lòng chua xót biết bao.
Những thảm cảnh chiến tranh
Những đạn pháo vô tình
Người dân chết cả gia đình
Chết trong loạn lạc đao binh điêu tàn !
Sandy lại phải ra Quảng Trị công tác, kiểm kê thiệt hại của PX, anh mô tả thành phố chẳng còn gì , xe Công Binh biên thành xe ủi xác người và chôn chung tập thể một nấm mồ. Anh chụp rất nhiều hình cảnh tàn phá, những chiếc xe hồng thập tự bẹp dúm, những cây cầu sập, xác xe cộ ngã nghiêng, những ngôi nhà thờ đổ nát chỉ còn cây thánh giá chơ vơ...
Sandy phải lái xe qua đèo Hải Vân ra Huế khi anh phải ra Quảng Trị, khi anh ra Huế thường trọ tại khách sạn Hương Giang nằm bên bờ sông Hương, anh chụp rất nhiều hình ảnh của Huế, và anh rủ tôi ra Huế, tôi viện lý do là mình rất sợ đường đèo.
Hải Vân mây phủ đìu hiu
Non cao vời vợi cô liêu núi rừng
Một bên vách đá chập chùng
Dưới kia vực thẳm hãi hùng hang dơi !
Con đường đèo Hải Vân được Pháp kiến thiết từ năm 1.900 với chiều dài 40 cây số. Đèo Hải Vân cao 496 thước, nằm giữa ranh giới Thừa Thiên và Quảng Nam, núi và biển liền nhau. Đỉnh đèo có luỹ cũ, nhìn ra phía Đông là Đông Hải bao la, phía Nam có nhánh núi chạy ra biển và đảo Tiên Trà, phía Tây là núi non trùng điệp, phía Bắc là phá Hà Trung. Hải Vân gồm những điẻnh Mang Cao (1.700 thước), Bạch Mã (1.444 thước), Và Bà Ná (1.500 thước). Hải Vân 1 mạch núi lớn của dãy Trường Sơn, núi vương mình ra biển, đỉnh núi lẫn trong mây, dưới chân núi là biển cả, về phía Bắc c1 1 hang động lớn gọi là Hang Dơi thường có sóng thần. Ta nghe tiếng sóng vỗ ầm ầm lẫn tiếng suối chảy rào rào từ lưng chừng núi đổ xuống.
Đèo Hải Vân
Quanh co vách núi cheo leo
Xe bò lên dốc qua đèo Hải Vân
Đèo Hải vân vắt ngang lưng chừng núi, hùng vĩ cao vời vợi như đụng trời xanh, nơi được nhiều thi sĩ hạ bút đề thơ. Gió từ biển Thái Bình lồng lộng thổi về, qua cơn biến động 1972, đường đèo như còn vướng vít cảnh chạy loạn hôm nào. Một bên là vách núi với rừng cây dầy đặt âm u, một bên là vực thẳm nguy hiểm với tiếng sóng dồn dập phẩn nộ. Đường đèo như con rắn uốn mình, như giải luạ trải ngang lưng chừng núi. Xe đổ dốc quanh co như đàn kiến di động.
Phố cổ Hội An thời Pháp thuộc có cái tên là Faifo nằm trên đường Lê Lợi , cách Đà Nẳng về phía Đông với đường xe chật hẹp, mái ngoi rêu phong cổ kính đã tồn tại trên 2 thế kỷ, kiểu nhà gỗ một hai tầng thông suốt đường phố.
Phi trường Đà nẳng nằm sát quốc lộ 1, cách huyện đường Hoà Vang nằm về phía Nam, cũng là ranh giới ngăn đôi tỉnh Quảng nam và thành phố Đà Nẳng. Đường Bạch Đằng chạy dọc theo sông Hàn, ty Bưu Điện, ga xe lửa nằm về phía Bắc của thành phố. Đây là quê hương của người hùng PHẠM PHÚ QUỐC.
Quê hương anh đất Địa linh Nhân Kiệt
Khai phá Trường Sơn chiến thắng Chiêm Thành
Kẻ trước người sau kiên cường khí tiết
Bao anh hùng lịch sữ đã vinh danh !
Đà Nẳng nơi được xưng tụng là "Địa Linh Nhân Kiệt", nơi nhiều người nỗi tiếng về văn học nghệ thuật như: nữ sĩ Bảng Nhãn đời vua Thành Thái,thi sĩ Phan Quỳ đời Nguyễn, Nguyễn Dưỡng Hạo thời Hậu Lê, và Phan Khôi...không xa Huế bao nhiêu nên vẫn còn nặng mùi trưởng giả.
Tiếng nói địa phương chỉ có những người ở quê ra có tiếng nói cục mịch. Người ta ca tụng cái vẽ diễm lệ kiêu sa của Huế, vì nó có 1 sự lôi cuốn vô hình của 1 thời vương giả , còn Đà Nẳng có 1 sắc thái dễ thương riêng biệt của nó, như Bà Rịa quê tôi, nó không đẹp với con mắt người thưởng ngoạn, nhưng nó có cái đẹp tiềm ẩn bên trong.
Ngũ Hành Sơn còn còn là Non Nước, thuộc xã Hoà Long, quận HoàVang, cách Đà nẳng 8 cây số về phía Đông Nam trên quốc lộ 1 ngang làng Thanh Quít. Năm ngọn núi đứng kề nhau, trong những ngọn núi có nhiều hang động như: động Huyền Không, động Minh Không, động Linh Nham, động Thiên Linh, Tàng Chân, Chiêm Thành ,hang Âm Phủ...
Về Đại Lộc nghe chim rừng nhắn nhủ
Thăm Huyền Không động cũ nhớ tiền nhân
Vẳng tiếng chuông động thiên hồn cổ tự
Giở trang kinh vô tự đá chưa mòn !
Nina Kim- 120 Phan Châu Trinh- Đà Nẳng- 1972
Biệt thự bác Trần Ngọc Tú
Khi người di tản trở về Huế, thì con gái tôi cũng có mặt tại Đà Nẳng như lời tôi đã hứa với con.Hai cậu cháu Phi và Linh bằng tuổi nhau, vì dành chơi với con gái tôi, mà cậu nào cũng muốn chiếm độc quyền, làm bác Tú rất khó xử vì 1 bên là con trai út, 1 bên là cháu ngoại.
dân Huế thường có cái nhìn bề ngoài, vào tiệm mua hàng, họ nhìn mình từ đầu đến chân, nếu ăn mặc sang trọng thì họ niềm nỡ. Hôm đó tôi mặc áo bà ba đi chợ, tôi vào tiệm hỏi mua cái tủ, bà chủ hàng khó chịu nhìn tôi nặng tiếng hỏi trỏng :
-Rứa có tiền răng mà hỏi cái ni cái tê?
Tôi bỏ ra về, đến hôm sau , tôi mặt bộ đồ tây, mặt trét son phấn trở lại tiệm hôm qua, bà chủ hàng không nhìn ra tôi, nên tiếp đón thật ân cần và niềm nỡ :
-O cần cái chi tề?
Thật là buồn cười và chán ngán, xứ này cả đến bà bán hàng rong cũng mặc áo dài, họ chú trọng bên ngoài nhiều hơn, phong tục tập quán vẫn còn nặng mùi vương giả, phân chia vai cấp. Đi chợ mua hay bị lầm, mua gà thì nhỏ xíu mà nấu hoài không mềm, rau thì èo uộc không xanh mướt trong Nam. Bún Huế thì nấu quá cay Sandy không ăn được, anh chỉ thích món bánh ướt thịt nướng mà bà bán hàng rong thường ghé vào buổi trưa, bánh ướt hơi dầy cuốn với thịt nước và rau thơm , chấm với tương sệt sệt.
Thanh Hiền -120 Phan Châu Trinh- Đà Nẳng- 1972
Sandy được lệnh vào Sàigòn để nhận hàng của PX chuyển về từ Đà Nẳng. Quân đội Hoa Kỳ đã rút dần nên PX Đà Nẳng ở China Beach phải đóng cửa. Lúc Sandy vắng nhà thì con gái lại lên cơn sốt, nó thường hay bị chứng máu cam kinh niên. Chưa lần nào tôi sợ như đếm đó, chậm đến mấy hộp giấy vẫn không ngưng. Đang giờ giới nghiêm, nên tôi sai Đào chạy sang gọi dùm giáo sư Nguyễn Ngọc Kỳ, anh quýnh quáng lật sách tìm cách cầm máu. Anh lấy nước đá bỏ vào khăn đấp lên trán cầm đỡ chờ sáng, lúc đến phòng khám bác sĩ phải tiêm thuốc thì máu mới cầm lại. Con vốn ốm yếu lần đó mất máu nhiều nên trông thật xanh xao. Tôi lại lo tẩm bổ cho con, đợi sức nó khoẻ mới đưa con trở về Bà Rịa.
Nina Kim- 120 Phan Châu Trinh- Đà Nẳng-1972
Chuyến bay bị trục trặc nên đình lại, trong khi chờ đợi tôi với Ngọc Anh đi học gia chánh những món ăn đặc biệt như : gà rút xương, tôm chiên càng cua, các thứ bánh sinh nhật, bánh bao...
Bác Tú frai có việc phải về Huế bằng xe jeep, Ngọc Anh lại rủ đi, con gái lại đòi đi cho biết. Nhìn đôi mắt đầy hy vọng của con làm tôi không nở làm con thất vọng, mà Ngọc Anh càng khéo nói làm tôi phải xuôi theo. Tôi sợ ra Huế vì có tâm sự riêng khéo nói, càng không muốn cho con biết đó là quê hương của "cậu Nhơn", người y sĩ của tiểu đoàn 3 Nhảy Dù.
Nhớ ngày nào anh hứa đưa tôi về thăm Huế , hôm nay tôi về đây lẻ loi nhìn Huế mà nuốt lệ nghẹn ngào. Tôi muốn nói với con đây là quê hương của "cậu Nhơn" , mà con thường nhắc nhở , nhìn con đang ríu rít vui làm tôi khựng lại. Mọi người ai cũng vui, nào ai biết lòng tôi đang dậy sóng. Tôi không thể chạy trốn mãi cái quá khú thương đau, mà phải "đối diện" với Huế . Tôi sẽ đến tận nơi trả lại món ân tình mà mình đã lỡ vay với Huế.
![]() |
Qua đây lòng những bâng khuâng
Về thăm Xứ Huế cố nhân đâu rồi?
Tôi thương Huế từ ngày biết yêu anh, nay về thăm mà Cố Đô quá tiêu điều lầm than vì chiến cuộc . Huế tang thương, Huế phiền muộn, cung điện giờ hoang phế, hình ảnh vàng son vương giả chỉ còn trong quá khứ , Huế ngèo nàn mà người dân vẫn cố bám víu, chỉ còn thôn Vỹ Dạ một thời phồn thịnh còn sót lại.Trải qua bao biến động lịch sữ, núi Ngự vẫn sừng sững gắn liền với sông Hương.
Sông Hương chia Huế thành 2 vùng rõ rệt, một bên với cung điện hoàng thành, một bên là khu vực hành chánh, cầu Tràng Tiền bắt qua sông Hương gần cửa Thượng Tứ (cửa Đông Nam), xây năm 1897 tới năm 1939 được chỉnh trang cho rộng thêm, cầu dài 400 mét có 6 vài 12 nhịp. Qua cầu Tràng Tiền sang bên kia là khu Pháp ở và làm việc, có toà Công Sứ, Toà Án, kho bạc..., đài phát thanh Huế nằm ngay chân cầu Trường Tiền phía hữu ngạn sông Hương.
Huế có 2 cuộc lễ quần chúng lớn, là lễ Phật Đản và ngày cúng âm hồn 23/5 âm lịch (ngày thất thủ kinh đô). Trong đó dân Huế đã dùng tin ngưỡng để tưởng niệm ngày quốc gia bị bức tử khi Pháp chiếm thủ đô Huế.
Ai về cho nhắn mấy lời
Rằng đây thương Huế từ hồi yêu anh
Vào Thu dòng Hương Giang lờ đờ ôm chân cầu Trường Tiền, sóng dập dềnh vỗ nhẹ mạn thuyền , cầu Tràng Triền đã gẫy đi mấy nhịp như đời mình cũng mấy nhịp cầu gẫy đổ.
Về đây ảo mộng ngỡ ngàng
Trường Tiền đã gẫy bẻ bàng đời ta
Xuân đã qua... người đã xa
Nghe chừng hờn tủi trên tà áo em
Có những chiếc cầu ta đã qua nhiều lần rồi lại quên, mà có một chiếc cầu dù chỉ qua một lần sẽ mãi mãi nằm hoài trong tiềm thức. Về xứ Huế tôi ghé lại rừng thương, tim tôi lại thổn thức, kỷ niệm xưa chợt về lòng bỗng nhớ nhung vời vợi. Không hẹn mà Định Mệnh đã đưa tôi về thăm quê anh sau mùa hè đỏ lửa 72. Và đây là làng Thanh Thuỷ, quận Hương Thuỷ, quê hương của Hàn Mặc Tử.
Ta về thăm xứ Huế
Hương Giang bỗng lạnh lùng
Cung điện giờ hoang phế
Trường Tiền nắng rưng rưng...
Tôi lại chạnh nghĩ đến anh người tình lỡ xứ Huế, nhớ ngày đầu tiên liều lĩnh đi tìm anh, tôi đánh đổi tất cả để theo anh. Lúc đó tiểu đoàn 3 Dù đang trên đường hành quân, đang đóng quân ở Bà Quẹo, dù kỷ luật của nhà binh, nhưng người Quân y trưởng đã cho tôi ở lại đêm đó. và anh với tôi đã nên duyên gắn bó, chẳng có lễ hỏi, lễ cưới, đêm động phòng trong căn nhà tranh , với cái mùn nhà binh, nệm bằng đất, gối là cánh tay anh, và tôi đã trao thân cho anh đêm đó. Sau đó anh được 7 ngày phép về lo chỗ ở cho tôi, và ở nhờ 1 tuần nơi nhà người bạn của anh tại ngã tư Bảy Hiền.Vì mãi mê bơi lội trong hạnh phúc nên chưa hỏi về gia đình ba mẹ cùng quê quán của anh. Với anh một tuần hạnh phúc ở Bảy Hiền , mà trong ký ức tôi vẫn chưa quên hai nơi kỷ niệm đó.
Một tuần hạnh phúc bên anh
Bỗng tan như pháo tình xanh nấm mồ
Một khoảng cách thật dài, đã đưa tôi thật xa, với bổn phận đã không cho phép tôi nghĩ về anh. Từ năm 1965 sau trận Bình Giả đến nay là năm 1972, khi tôi ra Huế thì đúng 7 năm tôi xa anh. Chuyện vợ chồng tạm bợ cũng chấm dứt sau 7 năm, hạnh phúc chỉ được 7 ngày. Tôi đứng số 9 trong gia đình là một con số hên, nhưng Định Mệnh gắn liền tôi với con số 7 nghiệt ngã, một trường hợp khó giải thích được.
Thanh Hiền-120 Phan Châu Trinh- Đà Nẳng 1972
Ta về ghé lại rừng quên
Trông qua biển nhớ sầu lên cuối ngày
Rừng quên thoáng dáng em gầy
Mà bên biển nhớ vẫn đầy mông mênh...
Lần đầu tiên tôi đến thăm Huế quá tình cờ và vội vàng, cũng như tôi ghé qua đời anh cũng vội vàng như lúc đi. Tôi về đây bơ vơ giữa cố đô mà ngậm ngùi nhớ đến cố nhân, giờ lưu lạc phương nào? Chiến tranh càng trở nên ác liệt, không biết anh có còn hay đã nằm xuống trong khói lửa ,đạn bom ?
Anh đâu em đã về đây
Nửa mừng, nửa tủi gót hài bơ vơ
Buồn lên chiếc nón bài thơ
Buồn lên Vỹ Dạ ngẩn ngơ Ngự Bình
Tôi bẻ bàng nhìn Huế, một chút hối hận dâng tràn, tôi chơi vơi hụt hẫng ngụp lặc trong bể khổ mênh mông. Tôi cô đơn như chính Huế cô đơn, tôi đã về nhưng người xưa đâu chẳng đón. Huế còn lại đây những tang tóc chia lìa của đêm Xuân nghiệt ngã, của mùa Hè đỏ lửa điêu tàn, với cuộc tình đổ nát trong tôi, trong anh !!!...
Về đây Huế những buồn thêm
Điêu tàn cung điện nát mềm cỏ cây
Sông Hương đó, núi Ngự đây
Người thương đâu vắng bến gầy nhớ nhung !
Hình ảnh của anh, người lính Dù Quân y Đặng Văn Nhơn vẫn hiện về trong ký ức của tôi, tôi cảm ơn Huế đã đưa anh ghé lại bến thương, anh đã mang đoá hoa mẫu đơn vương giả từ miền Cố đô để tặng tôi, dù là đoá hoa tình yêu nở muộn nhưng thật nồng nàn. Tôi trân trọng nhận lấy đặt thật sâu vào tim, dù không lễ hỏi, lễ cưới, dù rượu giao bôi chưa uống, nhưng với anh tôi đã say vì men tình. Khi chia tay, tôi giữ đoá hoa tình yêu như một kỷ vật.
Ta về thăm xứ Huế
Bàng bạc vướng tơ trời
Một mùa Thu tang chế
Một lầm lỡ trong đời !
Trời vào Thu, mây bàng bạc lên xứ Huế , Thu có nghe lòng ta đang nức nở, Thu tiếc thương nên khoắc khoải mong chờ,từng hàng cây run rẩy vàng úa, từng chiếc lá chao đảo lạnh lùng rơi... Lá quyện xào xạc mà cứ ngỡ bước chân anh quấn quít không rời, về thăm quê anh mà chân bước ngập ngừng...
Chiều nay dừng bước Thần Kinh
Một mình em bước một mình buồn thiu
Huế xưa lá đổ muôn chiều
Mình em đứng lặng nghe nhiều nhớ thương !
Trong trí nhớ nhỏ nhoi, hình bóng người lính Dù Quân Y đã một lần ghé qua đời tôi chợt thoáng nhanh như áng mây bay. Anh đã xa... mất hút cuối đường kỷ niệm. Tôi về đây một mình buồn tủi giữa Cố đô, lòng tơi bời như chiếc lá mùa Thu tả tơi bay... Tôi nắm mắt cố hình dung lại bóng người xưa, nhưng... gương mặt anh chợt mờ không rõ nét. Tôi thảng thốt "mình đã quên anh thật rồi sao?" .Chẳng biết Huế nhiều sương mù, hay nước mắt tôi làm mờ cả xứ Huế?
Ta về thăm xứ Huế
Hình dung dáng một người
Cố đô mờ theo lệ
Mình quên anh thật rồi !
Từ độ xa anh, trái tim tôi khô lạnh như mùa Đông xứ Bắc, không còn nhen được lửa yêu đương. Giờ tôi đã sang bờ khác, đâu còn xứng đáng giữ lại những gì anh đã cho tôi.
Về đây Thu tới lạnh lùng
Tang thương vườn Ngự thâm cung tiêu điều
Về đây trả lại Huế yêu
Một trời sầu hận cô liêu mong chờ
Đã bao đêm tôi thầm nói lời xin lỗi, nói để chính mình nghe, dù sao cũng nhẹ đi một phần nào ân hận. Xin trả lại Huế "món nợ ân tình" đã lỡ vay với Huế. Xin trả lại Hương Giang những mãnh đời tan tác với mùa Thu bơ vơ. Xin trả lại Vĩ Dạ lời hò hẹn cũ với mùa Đông phiền muộn. Xin trả lại núi Ngự những mùa Xuân phai với nối kết nguyện thề. Xin trả lại anh mùa Hạ nồng nàn với 7 ngày hạnh phúc tràn đầy mà anh đã cho tôi. Xin Huế hãy nhận để tôi nhẹ bước quay về với bổn phận và Huế ơi!Xin đừng trách vì tôi bội bạc!!!...
Về đây trả lại Huế mơ
Trả hoa anh tặng trả thơ đôi mình
Huế ơi món nợ ân tình
Chiều nay trả lại Thần Kinh u buồn !
Tôi âm thầm giã từ Huế, như ngày nào tôi âm thầm xa anh, dĩ vãng nào làm ta tiếc nuối, quá khứ nào làm ta đón đau! Huế vẫn nét cổ kính nghìn xưa buồn muôn thuở. Huế tiếc nuối một thời vàng son đã qua, như tôi tiếc nuối mãi một thời hạnh phúc xưa, một cuộc tình đã mất.
Ta đi biển nhớ chơi vơi
Rừng quên gửi lại mãnh đời nát tan
Trời mù mờ bóng Hương Giang
Hay dòng nước mắt đã tràn vì ai !
Huế nhìn tôi cảm thông, dưới kia sóng biển vẫn thét gào như gã Thuỷ Tinh cuồng nộ hâm doạ Sơn Tinh. Qua bao cảnh thăng trầm Sơn Tinh vẫn sừng sững bên bờ biển Đông hiên ngang thách đố. Chiều xuống, nắng ửng hồng rừng núi Trường Sơn, hình như chiều nay mây phủ nhiều trên đỉnh Hải Vân. Nhìn ra biển Thái Bình mù mù, biển có chứa hết những đau thương của Huế không? Chẳng có tiếng trả lời, mà chỉ có tiếng thét gào của sóng vỗ, tiếng thác đổ u buồn, tiếng rừng thiêng than thở , vắt đường đèo như mảnh khăn tang đượm mối sầu vạn cổ.
Muộn phiền để lại Cố đô
Tình anh mang xuống đáy mồ Thần Kinh
Huế xưa còn đó một mình
Lời nguyền năm cũ như hình đã tan...
Từ hôm ra Huế, tôi ghé lại rừng thương, chỉ còn lại lá Thu phai phủ lấp nấm mộ tình. Định Mệnh đã đưa anh đến với tôi, và Định Mệnh cũng chia cách tôi với anh, giờ này anh ở đâu? anh có biết là tôi đang đặt chân lên quê hương của anh, và đang nhớ về anh. Anh có tha thứ cho tôi bao lỗi lầm?
Nỗi buồn để lại Hương Giang
Chìm sâu đáy nước với ngàn con đau
Ngàn xưa cho đến ngàn sau
Huế đô thương nhờ đi vào thiên thu !
Bao đau thương phiền muộn tôi đã để lại Cố đô. Tôi trả lại Huế tất cả những gì anh đã cho tôi, chỉ giữ lại trong tim một kỷ niệm đẹp của một chuyện tình dang dở. Kể từ hôm nay, Huế cho tôi một cõi bình yên, chuyện dĩ vãng đã là chuyện buồn xa xưa cũ. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng vì Huế không hẹp lượng, đã thay thế anh mà tha thứ cho tôi mọi lỗi lầm. Huế bao dung đã giải dùm tôi lời nguyền quá nặng nề, mà nơi "Địa Linh Nhân Kiệt" đã cho tôi một cái nhìn sâu rộng hơn. Những điên đảo trong tôi tan biến, tôi không còn tự trách mình nữa. Tôi đã can đảm về quê hương anh mà đối diện với Huế.
Ước mơ có một mái ấm gia đình tôi đã thực hiện được, ước mơ làm vợ tôi cũng đã toại nguyện, ước mơ cho con có một người cha tôi cũng đã làm xong. Tôi đã có niềm tin và một hướng đi, chỉ kỳ vọng vào tương lai của con sẽ sáng sủa hơn mình. Với Sandy, dù anh là người Mỹ nhưng tánh tình và nếp sống lại giống người Á Đông, anh không có cuộc sống thoát loạn của người phương Tây. Tôi muốn anh nhìn thấy cái đạo đức và lòng chung thuỷ của người con gái Á Đông. Dù bị xã hội chỉ trích, khinh bỉ, dù nghèo khổ, dù gian nan, dù chân trời góc biển, tôi mãi theo anh để đền ơn, đáp nghĩa và giữ tròn lời nguyện ngày nào.
Cơ hội thuận tiện đã tới, đã đến lúc cho Sandy biết hết sự thật trước khi dọn về Sàigòn, và tôi đã nói hết sự thật sự liện hệ của tôi với Hội và con. Anh bình tỉnh lạ thường, tay anh choàng qua vai tôi ôn tồn bảo:
-Anh đã biết từ lâu!
Lòng quảng đại rộng lượng của anh hơn tôi nghĩ, khi biết sự thật anh không giận, trái lại còn thương con tôi nhiều hơn nữa, nếu biết thế thì tôi đã không dấu mãi chuyện buồn trong lòng. Tôi không đề cập đến những việc làm của má tôi vì sợ anh sẽ giảm bớt lòng tôn kíng người. Sự thật được phơi bày, như vừa buông tảng đá nặng nghìn cân trên vai, tôi thở phào nhẹ nhỏm.
Văn phòng PX chuyển về đường Trần Hoàng Quân gần chợ An Đông. Tôi đưa con về Bà Rịa rồi trở lên Sàigòn rủ chị Lang tìm thuê nhà . Tôi trở ra Đà Nẳng thu xếp dọn về, tôi bảo Đào về xin phép gia đình vào Sàigòn với tôi, nhưng gia đình Đào lại sợ vào trong nớ bị người Sàigòn gạt gẫm. Tôi biết nó rất tiếc vì chưa có người chủ nào thương nó như tôi. Sandy bán chiếc xe Kawasaki và mua lại chiếc xe Honda của người bạn trai của Hà khi ông này về nước. Tôi bán hết đồ đạc, còn bao nhiêu thì cho Đào chở về. Ngày Đào đến giúp việc chỉ mang theo 2 bộ quần áo, giờ thì chở cả xe đồ đạc.
cậu Võ Tá Minh là em trai bác Tú gái, cậu Tư làm cho hãng hàng không Việt Nam. Cậu lấy dùm vé máy bay, bác Tú trai và cậu Tư Minh đưa tôi ra phi trường. Con đường ra Trung đã để lại trong tôi những thâm tình quý mến của gia đình bác Trần Ngọc Tú và chị Đức. Dù thơi gian ngắn ngủi, dù cách mấy chục năm sau, lúc nào tôi cũng nhớ đến những cảm tình và lòng thương mến của gia đình bác Tú dành cho tôi.
Giữa Thu, tháng 8 trời se se lạnh, tôi ngậm ngùi từ giã Đà thành, mà hôm nào tiếng mưa pháo làm trời nghiêng đất lệch. Chiều nay con tầu lặng lẻ trên giòng sông Thu Bồn ra Cửa Đại, gió Thái Bình làm những hàng phi lao ngả nghiêng đìu hiu.
Giữa Thu lành lạnh heo may
Giã từ Non Nước chiều nay ta về
Giã từ Cửa Đại, Mỹ Khê
Sương mù chợt vướng não nề Tiên Sa !
Giòng sông Hàn, đã cho tôi một kỷ niệm trên bước đường lưu lạc, sông vẫn còn xanh sau đêm máu lửa. Tôi về Nam mà lòng mãi lưu luyến vùng đất khô cằn, nhưng chan chứa biết bao ân tình. Giã từ miền Trung miền đất cày lên sõi đá, chiều nay biển Thái Bình vẫn vỗ về như rời ru của mẹ Việt Nam, bao dung và dịu hiền, biết bao bài thơ, bài hát ca tụng về mẹ thật thắm thiết nồng nàn. Hình ảnh người mẹ được tôn sùng kính trọng, thế mà... tôi chợt thấy đắng ngắt tủi hờn vì mình có mẹ lại thiếu thốn tình mẹ !!!...
(Xin đón đọc Định Mệnh 12
Đối diện Sàigòn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét